Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Đến với buổi tuyên truyền sách ngày hôm nay (09/12/2024) thư viện nhà trường xin giới thiệu tới thầy cô và các bạn cuốn sách “Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt ViệtNam”.
Biển đảo Việt Nam ngày nay có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ tổ quốc. Biển là sân trước, vùng cửa ngõ của quốc gia đồng thời là không gian chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia ven biển. Các vùng biển, đảo và bờ biển nước ta liên quan trực tiếp tới an ninh - quốc phòng, bảo vệ kinh tế và tài nguyên biển; đó cũng là vùng kinh tế quan trọng, có tính chất quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước hiện tại và tương lai.
Bởi vậy, điều quan trọng đối với mỗi công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là phải có những hiểu biết về biển đảo của đất nước như đã từng hiểu biết về giang sơn bờ cõi đất liền. Bởi những hiểu biết đúng và đầy đủ về biển đảo là một trong những cơ sở chắc chắn nhất, góp phần bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền trên biển và các đảo, quần đảo trong đó đặc biệt là việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Nếu tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo nằm giữa biển đông, như tấm lá chắn cho phần đất liền dọc bờ biển nước ta từ Quảng Trị tới Cà Mau. Đó là hai quần đảo mà cha ông chúng ta đã chiếm hữu thực sự, chiếm hữu liên tục và hòa bình cách đây mấy trăm năm. Đó là phần lãnh thổ mà các thế hệ người Việt tiếp nối nhau vượt qua dông bão để khám phá, khai khẩn những vùng đất mới tạo nên dáng hình tổ quốc hôm nay. Và đó cũng là nơi thể hiện khát vọng vươn xa, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy.
Nằm giữa biển Đông, ở một vị trí mang tầm chiến lược cả về kinh tế và quân sự, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng có sức hút với nhiều quốc gia trong thời đại mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiện. Vì vậy, trong 4 thập niên gần đây, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã trở thành điểm nóng của biển Đông.
Người dân Việt sinh sống và làm ăn ở nơi đầu sóng ngọn gió này, dù là người chiến sĩ hay những ngư dân đều phải đối mặt từng giờ từng phút với biết bao thử thách, hiểm nguy rình rập. Họ đã trở thành biểu tượng của đức quả cảm hi sinh trong chiến đấu và lao động, không ít người vì chủ quyền của tổ quốc đã vĩnh viễn ra đi, hóa thân vào hồn thiêng đất nước.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều năm nay đã trở thành những địa danh thiêng liêng và thân thiết của mỗi người Việt Nam dù ở nơi miền cao Lũng Cú – Hà Giang hay tận Đất mũi – Cà Mau, dù ở trong nước hay ngoài nước.
Những cuộc vận động, những chương trình của triệu triệu tấm lòng hướng về biển đảo quê hương, hướng về Hoàng Sa – Trường Sa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cả nước hướng về Hoàng Sa – Trường Sa . Từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đến các tầng lớp nhân dân, từ các em học sinh nhỏ tuổi nơi thị thành đến các già làng Tây Nguyên từ người nông dân, công nhân, tiểu thương đến người trí thức, doanh nhân…từ người chiến sĩ biên phòng đến những cựu chiến binh suốt đời với nhân dân, tất cả đều đồng thuận hướng về Hoàng Sa và Trường Sa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực chung tay tiếp sức với ngư dân, tiếp thêm vật chất và tinh thần cho các chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm kiên cường bám biển, bám đảo.
Biết được cuộc sống của ngư dân và người chiến sĩ ở Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng và nơi biển đảo nói chung, chúng ta sẽ có ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với những người con đất Việt đang kiên cường bảo vệ chủ quyền của đất nước. Vì vậy, nhà xuất bản Thông tin và truyền thông đã xuất bản cuốn sách “Hoàng Sa Trường Sa là máu thịt Việt Nam” Cuốn sách được in trên khổ giấy 15x23,5cm. Bìa sách được in hình ảnh chiến sĩ hải quân và lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang trước biển khơi thể hiện độc lập chủ quyền biển đảo Việt Nam:
Nội dung cuốn sách gồm các phần:
- Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam mãi mãi không thể cắt rời.
- Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa
- Giá trị khoa học của hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ
- Hai người bạn trò chuyện về một tấm bản đồ
- Lịch sử dạy ta qua những mâm cỗ cúng, tế vong linh binh lính Hoàng sa, Trường sa
- Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc của thời các chúa Nguyễn
- Những bằng chứng đầy thuyết phục về chủ quyền biển đảo quê hương
- Những tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
- Lý Sơn đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa
Khi theo dõi cuốn sách, người xem sẽ được phổ cập những kiến thức thú vị về hai quần đảo đáng quý này. Là huyện Hoàng Sa có diện tích 305 km2, chiếm 23,76% diện tích thành phố Đà Nẵng, với địa giới bao gồm một quần đảo có tên gọi là quần đảo Hoàng Sa với các đảo san hô nằm cách đất liền khoảng 170 hải lý (315 km). Là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa do Việt Nam thiết lập trên cơ sở các đảo san hô nhỏ, cồn cát, rạn đá ngầm và bãi ngầm như Trường Sa. Là các Tháp đèn tại hai quần đảo tựa như những đôi mắt thần bảo vệ biển đảo…
Cuốn sách không chỉ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về biển đảo Việt Nam mà nó còn mang tính giáo dục rất lớn. Mục đích của những người đã biên soạn và xuất bản cuốn sách này chính là mong muốn khơi dậy tình yêu trong các thế hệ thanh niên Việt Nam với đất nước, với biển đảo Việt Nam, ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta, để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là “máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Hơn thế, người đọc còn có những luận chứng rõ ràng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuyệt nhiên không nằm trong vùng “tranh chấp” giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Những thông tin được tổng hợp trong sách rõ ràng như: “Bản đồ Trung Quốc 1094 không có Hoàng Sa, Trường Sa” của Tiến Sĩ Mai Hồng; “Giá trị khoa học của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”” của nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha; “Các bản đồ, tài liệu của Trung Quốc tự nói lên Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” của Luật gia Bùi Phúc Hải… là bằng chứng khoa học, lịch sử mang tính thuyết phục to lớn cho vấn đề thời sự này.
Đó là những nội dung phong phú về biển đảo biển đảo thiêng liêng của tổ quốc được tiếp cận qua lăng kính của lịch sử thể hiện qua những câu truyện bằng lối viết giản dị nhằm phục vụ cho đông đảo bạn đọc.
Như vậy biển đảo Việt Nam hàng ngàn đời nay chịu bao sóng gió bão táp, là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử. Câu truyện về Hoàng Sa và Trường Sa cũng là những câu truyện của con người Việt Nam vượt qua bao sóng gió, gian nan chịu nhiều hy sinh mất mát để giữ bình yên cho quê hương . Cuốn sách có kí hiệu xếp giá STK 1693 đến 1695 trong tủ sách Tham khảo của thư viện nhà trường. Thư viện nhà trường rất vui mừng được chào đón quý thầy cô và các bạn đến thư viện tìm đọc cuốn sách.
Buổi giới thiệu sách mới tuần này đến đây là kết thúc. Hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau..