Giáo dục STEM đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy logic, kỹ năng sáng tạo và chuẩn bị hành trang cho tương lai của học sinh. STEM không chỉ giúp trẻ học tốt hơn mà còn rèn luyện cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Việc tích hợp giáo dục STEM trong bài học Lịch sử và địa lí về dân cư, hoạt động sản xuất và văn hóa Tây Nguyên không chỉ làm phong phú nội dung học tập mà còn phát triển toàn diện kỹ năng và nhận thức của học sinh. Đây là bước đi quan trọng để chuẩn bị cho các em một tương lai tự tin và sáng tạo.
Trong bài học này, các em học sinh lớp 4E – Trường Tiểu học Hiệp An sẽ tham gia vào nhiều hoạt động thú vị và bổ ích:
1. Khởi động với âm nhạc.
Hát về Tây Nguyên: Học sinh bắt đầu tiết học bằng việc hát một bài hát về Tây Nguyên, tạo không khí hứng khởi và kết nối cảm xúc với vùng đất này. Qua bài hát các em biết được một số loại cây trồng ở Tây nguyên.
2. Tìm hiểu về dân cư .
Kể tên các dân tộc: Học sinh đọc thông tin kết hợp vốn hiểu biết và dựa vào bảng số liệu để kể tên một số dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên, như Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Ma Xơ Đăng.
So sánh mật độ dân số: So sánh mật độ dân số của Tây Nguyên với các vùng khác và nhận xét về sự phân bố dân cư trong khu vực. Từ đó các em thấy được Tây Nguyên là vùng có dân cư thưa thớt.
3. Khám phá hoạt động sản xuất.
Trồng cây công nghiệp: Học sinh tìm hiểu về các loại cây công nghiệp được trồng nhiều ở Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu và thảo luận về thuận lợi, khó khăn trong việc trồng các loại cây này.
Chăn nuôi gia súc: Tìm hiểu về hoạt động chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu, bò và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động này. Các em sẽ hiểu được tại sao vùng Tây Nguyên phát triển chăn nuôi Bò, có nhiều trang trại nuôi bò với quy mô lớn.
Tiềm năng thủy điện: Do đặc điểm về địa hình ở Tây Nguyên cao nên sông ngòi ở khu vực này dốc, lắm thác ghềnh và có lượng nước vào mùa mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện một phần tạo ra nguồn điện, một phần điều tiết nước cho mùa khô giúp dân có thêm nước tưới. Tây Nguyên có nhiều công trình thủy điện quan trọng, cung cấp điện cho cả khu vực miền Trung và Nam Bộ.
4. Làm mô hình phân bố cây trồng, vật nuôi ở Tây Nguyên.
Tổ chức cho các nhóm thảo luận và chia sẻ ý tưởng làm mô hình theo các tiêu chí:
- Xác định được loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, địa hình của Tây Nguyên.
- Thể hiện được sự phân bố của cây trồng hoặc vật nuôi ở Tây Nguyên (nơi phân bố, mật độ,…).
5. Đảm bảo tính thẩm mĩ.
Đây là hoạt động các em có hứng thú nhất. Sau khi các em đã biết được các hoạt động sản xuất chủ yếu của Tây Nguyên, các em đã cùng nhau thể hiện sự phân bố các loại cây trồng, vật nuôi và phát triển thủy điện bằng việc thực hiện dán, trang trí các hình con bò, cây hồ tiêu, cây cà phê, cây chè, cây hạt điều, nhà máy thủy điện,... trên lược đồ Tây Nguyên để hoàn thiện Lược đồ Hoạt động sản xuất chủ yếu của Tây Nguyên. Hoạt động này tạo cho các em hứng thú hơn với tiết học đồng thời giúp các em khắc sâu kiến thức bài học, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy của bản thân.
Sau bài học, các em đã nắm được:
Dân cư Tây Nguyên gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống, đoàn kết và gắn bó với thiên nhiên.
Hoạt động sản xuất ở Tây Nguyên chủ yếu là trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su và chăn nuôi.
Quan trọng hơn, tiết học STEM đã giúp các em:
Tư duy sáng tạo: Hiểu cách con người tận dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.
Khám phá thực tế: Nhìn nhận mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và đời sống con người.
Tiết học đã kết thúc thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh lớp 4E. Cô giáo cũng hết sức ngạc nhiên với những sản phẩm các em tạo ra. Một sự sáng tạo không ngừng.( theo Đặng Thị Nga-GVCN lớp 4E)
Một số hình ảnh của tiết học:



