Ngày nay, sự phát triển của Khoa Học và Công Nghệ đã làm thay đổi nhiều ngành nghề trong xã hội và tác động này sẽ còn mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đứng trước sự thay đổi này, lực lượng lao động trong tương lai, với những kiến thức và kỹ năng cần thiết về điều khiển và phát triển công nghệ, sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng nếu không có kế hoạch đào tạo và phát triển.
STEM dạy cho học sinh liên kết và ứng dụng những kiến thức phổ thông để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Những giá trị mà STEM mang lại rất cần thiết cho học sinh Việt Nam, đó chính là những “kỹ năng của thế kỷ 21” (kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng giải quyết vấn đề) và theo đúng 4 trụ cột là triết lý giáo dục của UNESCO (Học để biết - Học để làm - Học để phát huy bản thân - Học để chung sống).
Chính vì vậy, việc cho học sinh tiếp cận STEM từ bậc tiểu học sẽ giúp xây dựng những nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ phát triển. Hơn nữa, việc học STEM sẽ giúp học sinh Việt Nam có cơ hội gia nhập vào lực lượng lao động toàn cầu, chứ không còn bó hẹp trong nước.
“Tích hợp giáo dục STEM trong môn Tự nhiên và Xã hội phát triển năng lực cho học sinh lớp 3” nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường tiểu học; tăng cường áp dụng giáo dục STEM nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nâng cao năng lực cho giáo viên về tổ chức, xây dựng và thực hiện giáo dục STEM. Đối với học sinh, việc kết hợp này giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách chủ động, sáng tạo, đồng thời rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp. Tiết học môn Tự nhiên và Xã hội "Các bộ phận của cây' đã được cô và trò lớp 3C thể hiện là một ví dụ minh họa cho phương pháp này. Có thể khẳng định: Thực hành là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của giáo dục Stem. Muốn hiểu và học tốt được STEM, học sinh cần vận dụng các kiến thức học được vào thực tế. Chính vì vậy, nhà trường và giáo viên cần chú trọng vào chương trình giảng dạy để học sinh có thể được trải nghiệm thực hành một cách có hiệu quả nhất.(Theo GV: Hoàng Thị Quế- Tổ trưởng chuyên môn tổ 2+3)



